Dịch viêm phổi cấp Covid-19 đang lây lan với tốc độ chóng mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo khuyến cáo, người dân nên mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên và hạn chế tiếp xúc nơi đông người. Theo nhiều chuyên gia nhận định, việc thanh toán trao đổi qua tiền mặt rất dễ dàng trở thành công cụ lây lan virus mà ít khi người ta chú ý.

Theo một nghiên cứu được thực hiện năm 2017 tại thành phố New York, người ta đã tìm thấy các vi sinh vật sống trên bề mặt của những tờ tiền, trong đó có cả virus giống như cúm. Tổ chức Y tế Thế giới WHO cũng khuyến cáo mọi người nên rửa tay thật sạch sau khi sử dụng tiền mặt, đặc biệt là trước khi ăn.

Do đó, trong bối cảnh dịch bệnh bùng nổ như hiện nay, nhiều quốc gia cũng đã ra những phương pháp ứng phó với việc sử dụng tiền mặt, để hạn chế sự lây lan.

Thế giới ứng phó ra sao với khả năng lây lan dịch bệnh qua tiền mặt?

Theo Reuters, hôm 6/3, Ngân hàng Trung ương của Hàn Quốc đã quyết định thu hồi toàn bộ tiền giấy đang lưu thông trên thị trường trong khoảng hai tuần vừa qua, đồng thời đem tiêu hủy một phần để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Trước đó, Trung Quốc cũng đã tiến hành làm sạch kỹ càng tiền mặt bằng tia cực tím và nhiệt độ cao, và có thể tiến hành tiêu hủy một lượng tiền mặt. Trung Quốc chủ yếu thu hồi tiền mặt từ các khu vực có nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh cao, chẳng hạn như tại bệnh viện, các siêu thị, khu chợ đông người và các tuyến xe buýt công cộng.

Trong khi đó tại Mỹ, một phát ngôn viên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết bắt đầu từ ngày 21/2, chi nhánh của Fed ở các địa phương đã tiến hành cô lập những tờ tiền USD họ nhận từ châu Á trong vòng từ 7 – 10 ngày trước khi trước khi được tái lưu thông trong hệ thống tài chính. Tuy nhiên, Fed hiện chưa có động thái khử trùng bằng tia cực tím hoặc tiêu hủy tiền giấy.

Xem: tỷ giá USD

Ở Pháp, bảo tàng Louvre nằm tại Paris đã cấm sử dụng tiền mặt vì lo ngại dịch bệnh bùng phát mạnh ở Châu Âu. Bảo tàng này chỉ chấp nhận cho khách tham quan thanh toán bằng thẻ tín dụng để hạn chế sự lây lan. Tuy nhiên, điều này cũng không hẳn an toàn, vì các thẻ đều được quét bằng máy POS dùng chung, cũng có thể trở thành công cụ lây nhiễm chéo.

Các phương thức thanh toán qua ứng dụng di động của Apple Pay, Samsung Pay và Google Pay đang thực sự mang lại lợi ích trong việc phòng ngừa dịch bệnh lây lan. Người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh hoặc đồng hồ thông minh của chính để thanh toán tại cửa hàng mà không cần bất kỳ sự tiếp xúc nào. Đặc biệt là hình thức thanh toán này không yêu cầu phải có chữ ký như một phần của quy trình thanh toán, người dùng sẽ không phải chạm vào bất kỳ thứ gì khác ngoài điện thoại hoặc đồng hồ của mình.

Đáng chú ý, trước cả khi dịch bệnh Covid 19 bùng phát, Trung Quốc đã hướng tới việc trở thành một quốc gia tiên phong áp dụng “không tiền mặt”. Theo eMarketer, gần 50% dân số Trung Quốc đã sử dụng các phương thức thanh toán trực tuyến để mua hàng trong quý II năm 2019.

Phil Sealy, giám đốc nghiên cứu bảo mật kỹ thuật số tại ABI Research cho biết, các nền tảng thanh toán qua mã QR, bao gồm WeChat và AliPay, cũng đã chứng minh rằng các nhà cung cấp giải pháp thanh toán trực tuyến đang mang lại điều tích cực cho thế giới.